Nhiều gói ưu đãi để thúc đẩy cho vay tiêu dùng

Ngân hàng tích cực tìm người vay

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết trong bối cảnh túi tiền của người dân không còn rủng rỉnh như trước, các NH đang đưa ra nhiều chính sách để giúp người dân mạnh dạn vay vốn hơn. Phổ biến là ân hạn nợ gốc lên đến 2 năm, thời gian cho vay dài, xét duyệt hồ sơ nhanh, thời gian cố định lãi suất lâu hơn…

Theo vị này, giá nhà đất đã giảm, lãi suất cho vay cũng ở mức thấp nhưng người dân không dám mạnh dạn vay vì lo kinh tế vẫn còn khó khăn, thu nhập sụt giảm… “Do vậy, NH áp dụng chính sách cho ân hạn nợ gốc trong 2 – 3 năm đầu, người vay chỉ phải trả lãi, giúp khách có khoản tích lũy để những năm sau có thể “gồng” được cả gốc lẫn lãi. Lãi suất cho vay được cố định trong thời gian dài hơn cũng giúp người vay yên tâm hơn”, vị này nói.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết các NH đều tung ra các gói vay ưu đãi, nhất là cho vay tiêu dùng như xây, sửa nhà, mua nhà, mua xe, mua nội thất. Chẳng hạn, một NH cho vay mua xe với lãi suất cố định 6,6%/năm trong năm đầu. Nếu cố định lãi suất vay 2 và 3 năm, mức lãi suất vay lần lượt là 7,8%/năm và 8,3%/năm.

Nếu thế chấp bằng bất động sản, lãi suất cho vay mềm hơn, năm đầu chỉ 6%/năm, nếu cố định 2 năm lãi suất là 6,4%/năm và 6,8%/năm. Có NH cho khách hàng chọn phân kỳ trả nợ linh hoạt, 50% trong thời gian vay, 50% vào cuối kỳ thay vì tiền gốc chia đều cho suốt thời gian vay.

Các NH cũng quy định biên độ cộng thêm sau khi hết thời gian cố định lãi suất với mục đích vay tiêu dùng là lãi suất huy động 12 tháng cộng với 3,3 – 3,7%, giảm so với mức 4 – 4,5%/năm trước đây. Có NH còn miễn phí trả nợ trước hạn với một hạn mức nhất định. Khách hàng cũng không bị ép mua bảo hiểm bằng mọi giá khi vay vốn như trước. Tuy nhiên người vay vẫn muốn có mức lãi suất “mềm” hơn nữa.

Anh Trần Hải Ngọc (Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ đang tìm hiểu lãi suất và thủ tục vay tín dụng tiêu dùng khoảng 250 – 300 triệu đồng để đổi ô tô. Các NH khá nhiệt tình hỗ trợ, tư vấn về thủ tục, hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, anh Ngọc băn khoăn là muốn vay được phải có tài sản đảm bảo, chưa kể lãi suất vẫn đang ở mức 9 – 9,5%/năm tùy NH, chưa thật sự giảm như mong muốn.

Ưu tiên cho vay tín dụng tiêu dùng

Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc NHNN, cho biết đã chỉ đạo các NH thương mại tích cực, mạnh dạn, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục khắc phục các khó khăn hiện tại cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo NH thương mại quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được, càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng. Bởi đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất được.

Cũng theo ông Tú, NHNN sẽ xem xét chỉnh sửa về mặt quy chế, cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các công ty tài chính cho vay hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này. “Như vậy, không chỉ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng mà còn góp phần hạn chế tín dụng đen. Đây là một trong những chủ trương, nhiệm vụ mà NHNN đặt ra ngay từ đầu năm nay”, ông Tú khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc VPBank, cho biết các NH thương mại đã giảm lãi suất cho vay so với đầu năm 2023, kể cả lãi vay tiêu dùng nhằm thúc tăng trưởng tín dụng. “Các NH rất muốn cho vay nhưng đặt vấn đề tín dụng giảm là do đâu? Có phải NH không muốn cho vay không?” – ông Vinh đặt vấn đề.

Nguyên nhân chính là sức mua rất yếu. Trong thực tế, dư nợ cho vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính tiêu dùng năm 2023 sụt giảm mạnh với hơn 20%. Theo ông Vinh, nhu cầu vay vẫn có nhưng khả năng vay và chi trả là hạn chế. Thực tế có những công nhân vay rồi thất nghiệp phải về quê, nên không công ty tài chính tiêu dùng nào dám cho vay.

Tại buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư mới đây, ông Lưu Hoài Sơn – giám đốc ban kế hoạch và marketing MB – cho biết trong năm 2024, MB kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao, lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng khoảng 10%, đạt hơn 28.800 tỉ đồng.

“MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội. Bởi đánh giá tổng quan năm 2024, khó khăn vẫn hiện hữu, trong khi khả năng hấp thụ tín dụng là câu chuyện cần quan tâm, khi cầu yếu. Dù khối kinh tế FDI có số liệu kinh doanh tốt nhưng cầu tín dụng cá nhân đang trong trạng thái đi ngang, do liên quan tới thị trường bất động sản, ô tô”, ông Sơn nói.

img Chat hỗ trợ